ОГЛАВЛЕНИЕ

 

"Thương lính" - Vũ Bão

Tôi đến nhà anh bạn vừa đi nước ngoài, mượn cuốn tiểu thuyết nghe đồn là hay lắm. Trên đường về, tự dưng tôi nghe tiếng còi "pin, pin, pin" sau lưng. Tôi vội lái xe vào sát vỉa hè. Một chiếc ô-tô Toyota mầu cà phê sữa từ từ lăn bánh sát bên tôi hình như có ý định ép chiếc xe đạp Tàu của tôi dính vào vỉa hè. Tôi vội nhảy xuống xe đạp.

Tay tôi đang cầm ghi-đông, mắt đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì sắp xảy ra thì cánh cửa xe ô-tô bật mở. Một người đeo kính mát, mái tóc bồng bềnh trên đầu trông như không chải nhưng được ốp vuốt khá cẩn thận, cổ có ngấn, vừa bước ra khỏi xe đã hất hàm hỏi tôi: Ông vui lòng cho xem cuốn sách ngoài luồng ở trong cặp của ông. Tôi bình tĩnh hỏi lại: Xin lỗi, tôi đang được hân hạnh nói chuyện với ai? Người đó bỏ kính mát ra, đặt tay lên ngực: Tôi là giám đốc Hãng 73-CKIII. Tôi giật mình khi nghe người đó nhắc tới phiên hiệu đơn vị quân báo của mình. Giám đốc nhảy bổ vào ôm choàng lấy tôi: Quân báo hạng bét. Đắng Văn Cay đây. Một tay giữ ghi-đông xe, một tay tôi vỗ bồm bộp vào lưng Cậy. Tên cậu ta là Đăng Văn Cậy khi điểm danh, chính trị viên đọc hàng chữ đánh máy trên giấy Tàu bạch Đang Van Cay thành Đắng Văn Cay. Chuyện xưa thôi không nói nữa.

Cậy vỗ vào lưng tôi: Lên xe. Tôi cười: Xin lỗi mình đang đi xe đạp. Cậy trỏ tay vào gốc cây trên hè: Ông cứ dựng cái xe ở đây, chốc nữa về lấy. Xe bị mất, tôi xin đền một xe Nhật xịn. Tôi lắc đầu: Lãng phí không cần thiết. Cậy cười: Thế mà cũng là lính quân báo. Ông dựng xe ở đây, bọn ăn cắp tưởng là ông "bẫy " chúng nó. Bố bảo nó cũng không dám đụng tay vào. Tôi cũng cười: Giám đốc mà không đọc báo, chẳng xem ti-vi. Họ thông báo rồi, đặt xe lung tung trên vỉa hè sẽ bị đội trật tự giao thông "giam" ở bãi giữ xe của quận 15 ngày. Cậy gật đầu: Thôi được. Nói đoạn, Cậy bước vào buồng lái bật công-tắc mở cốp xe cho tôi đặt chiếc xe đạp Tàu vào.

Cậy mời tôi ngồi ghế bên. Tôi quay sang Cậy: Giám đốc biết lái xe? Cậy cười: Phải học lái chứ. Giảm biên chế một nữ thư ký, một lái xe. Mình là mô hình giám đốc 2005 đấy. Đánh vi tính không kém gì một nhân viên văn phòng. Đêm qua đọc cuốn sách của ông đưa con gái mượn bạn nó ở lớp, mình thương ông quá. Ông đã đi gọi loa cho lính Pháp quay súng, ông đã giáo dục lính Âu Phi trong trại tù binh, ông đã theo dân quân đi lùng sục thằng giặc lái Mỹ nhảy dù xuống dãy núi 99 ngọn, ông đã thẩm vấn tên giặc lái Mỹ ngay tại trận địa, nhưng ông chưa bao giờ được Tây hầu. Hôm nay tôi mời ông đến khách sạn 5 sao để ông được Tây hầu.

Quả là được Tây hầu cũng có khác. Một nhân viên phục vụ người Âu mặc com-plê, thắt cà vạt cẩn thận đứng quay lưng về phía cửa sổ phía xa, thấy chúng tôi cần cái gì là lập tức chạy đến liền.

Tôi hỏi: Cậu là giám đốc gì mà sang thế? Cậy cười: Giám đốc một hãng may thôi, như thế cũng chưa lấy gì mà khoe mới ông. Tôi sản xuất com-plê bán trả góp cho cựu chiến binh. Đã ai nghĩ đến việc những người đã đổ xương máu giành lại đất nước này có quyền mặc com-plê thắt ca-ra-vát chưa? Tôi gật gù: Giỏi. Cậy đặt phuốc-xét úp xuống mép đĩa rồi nói: Mình đưa thợ về tận thôn cho từng cựu chiến binh một. Mỗi ông đóng trước 40.000 đồng rồi mỗi tháng sau nộp tiếp 20.000 đồng nữa là đến cuối năm, ông nào ông nấy giữ quyền sở hữu một bộ com-plê. Mỗi lần xem ti-vi, mình thấy anh em cựu chiến binh ta cứ mặc hoài bộ đồ trận, trông thương quá. Mình làm ngay dự án trình lên cấp trên. Ông cấp trên vốn là chính ủy sư đoàn, ông ấy ắp liền. Chỉ có lính mới thương được lính như thế.

Ăn uống no say rồi, Cậy vẫy tay ra hiệu nhân viên phục vụ tính tiền. Nhân viên phục vụ bưng cái khay, trên cái khay chỉ có một chiếc đĩa nhỏ đựng một tờ hóa đơn. Cậy cầm tờ hóa đơn lên liếc mắt qua rồi rút lấy một tờ 100 đô-la đặt lên đĩa. Nhân viên phục vụ cúi đầu "cảm ơn", Cậy cũng nói một câu tiếng Anh đáp lễ.

Ra đến xe, tôi bảo Cậy: Bữa Tây hầu này mình sống ung dung được ba tháng, ngồi viết xong cuốn tiểu thuyết chưa biết chừng. Cậy phẩy tay: Ông có quyền được hưởng như thế và hơn thế. Hồi Pháp nó bắt được ông, nó đọp cho ông một phát rồi đạp xác ông xuống sông thì cũng đến thế thôi chứ gì. Cái gì đã vào bụng lính thì không được gọi là lãng phí. Ông Nam chinh Bắc chiến như thế, chúng nó có cho ông đi nước ngoài bao giờ chưa? Tôi chìa bốn ngón tay ra trước mặt. Cậy tròn mắt nhìn tôi: Mình mời đi nước ngoài được ba lần, còn kèm ông một lần. Thế ông đi nước nào? Tôi cười: Mình chuyển sang làm quân báo cho quân tình nguyện Việt Lào, về nước một thời gian mình sang giúp bạn huấn luyện quân báo, lần thứ ba mình đi chiến dịch đường 9 - Khe Sanh toàn trú quân ở bên Lào, lần thứ tư mình đi chiến dịch ở đường 9 - Nam Lào đánh Bản Đông, - Ala Nòi, Ala Nhày. Cậy hô hố cười: Thế là ông có phải đi nước ngoài đâu? Tôi vặn lại: Thưa giám đốc, Bản Đông, Ala Nòi, Ala Nhày có phải những bản nằm trên lãnh thổ Việt Nam à? Cậy cười: Thế là cậu đi mặt trận C chứ có phải đi nước ngoài đâu. Thôi sĩ nó vừa vừa chứ. Các ông chịu nhiều thiệt thòi nên mình đề nghị ông gặp thằng nào ở đơn vị quân báo 73-CKIII, cứ bảo chúng nó đến mình. Mình cho người may đo và biếu mỗi cậu một bộ com-plê. Đây "các" của mình đây. Đến lúc nào ông cứ gọi điện hẹn trước...

Chiến khu III đã giải thể từ lâu nên các lính tráng đơn vị 73 đã lưu lạc về các trung đoàn, sư đoàn khác từ đời kiếp nghiệp lai nào rồi. Thỉnh thoảng đi họp ngày truyền thống của các đơn vị mới, tôi mới gặp một, hai ông quân báo 73. Tôi ghi số nhà, số điện thoại từng ông, chờ cho đủ năm ông, tôi mới bố trí một chuyến đến thăm Hãng 73-CKIII. Giữ đúng lời hứa, Cậy gọi thợ may đo và dẫn năm ông lính cựu đi chọn vải. Thấy tôi không cho thợ đo, Cậy hỏi ngay: Sao ông không may một bộ? Tôi trả lời: Cậu đại đội trưởng đến phối hợp chiến đấu với đơn vị mình trong trận đánh ở Nam Lào, nay lên làm giám đốc nông trường Sao Đỏ. Nhân dịp ra Hà Nội họp Bộ, cậu ấy dẫn mình đi may một bộ com-plê rồi. Lấy của ông một bộ nữa thì biết mặc vào lúc nào. Cậy khoát tay: Ông không lấy hiện vật, ông phải lấy tiền mặt. Tôi lắc đầu: Ăn ít no lâu. Biết lòng nhau thế là đủ. Cảm ơn.

Một tháng sau, năm ông lính cựu bàn với tôi thuê một chuyến taxi đến cảm ơn Đặng Văn Cậy. Bàn đi, bàn lại mãi đến cuối năm, chúng tôi mới chọn được một ngày cả sáu người không vướng vào chuyện họp hành, giỗ chạp, đám cưới, lễ mừng thọ. Có sáu người nhưng tôi phải thuê một xe Suzuki 8 chỗ ngồi vì ông lính cựu nào cũng lủng củng yến gạo nếp, yến gạo tám, mấy cân đậu xanh, mấy cân lạc củ. Cả năm ông cùng về nghỉ hưu ở quê nhà, tiện cây nhà lá vườn là đem đi cảm ơn giám đốc chứ đâu có biết cán mỏng những thứ ấy ra rồi nhét vào phong bì cho gọn.

Xe đến cổng Hãng 73-CKIII, anh lái xe nhấn còi. Ông thường trực ngồi trong vọng gác, thò đầu qua cửa sổ nói vọng ra: Ai? Đến đây có việc gì? Tôi vội đẩy cửa, nhảy xuống đất, chạy vội vào nói chuyện với ông thường trực qua hàng chấn song sắt ngoài cổng: Thưa bác chúng tôi đến gặp giám đốc ạ. - Ông thường trực: Giám đốc nào? - Tôi: Thưa bác, Giám đốc Hãng May Cựu chiến binh 73-CKIII. Ông thường trực bước ra khỏi vọng gác, từ từ đi ra phía cổng: Xin lỗi tôi hỏi khí không phải, các ông là thanh tra phải không? Tôi lắc đầu: Không, chúng tôi không phải thanh tra. Ông thường trực lại hỏi tiếp: Hay các ông là cán bộ bên Tài chính? Tôi lại lắc đầu: Chúng tôi là bạn chiến đấu của giám đốc đến cảm ơn giám đốc. Ông thường trực nói khẽ cho đủ một mình tôi nghe thấy: Giám đốc không ở đây. Các bác đúng là bạn chiến đấu của giám đốc đấy chứ? Tôi gật đầu: Cả sáu chúng tôi cùng giám đốc trước đây ở cùng một đơn vị chiến đấu. Ông thường trực nhìn ngang nhìn dọc không thấy ai, mới nói: Hãng đóng cửa rồi. Giám đốc vừa nhận quyết định về hưu. Tội nghiệp. Ông ấy là lính. Các bác cũng là lính. Tôi cũng là lính. Mấy trăm thợ may ở đây cũng là vợ lính. Ông ấy thương lính, mới nghĩ cách bán com-plê trả góp cho lính, chứ có chấm mút gì vào cái hãng này đâu. Tôi vội hỏi: Lính mua trả góp, ông ấy cứ nắm lấy các chi hội cựu chiến binh mà đòi, sao lại để khê nợ được? Ông thường trực thở dài: Các ban chấp hành cựu chiến binh, nay ông này nghỉ, ông khác lên thay, các ông ấy mặc xong com-plê là quên ngay tiền trả góp. Cán bộ hãng may chống gậy sắt đi đòi cũng chẳng được lấy bao nhiêu. Lợn trong chuồng lại đem thả ra mà đuổi.

Anh lái xe chờ lâu quá, sốt ruột bấm còi liên tục gọi tôi quay về xe. Tôi vội hỏi ông thường trực: Bác có biết bây giờ giám đốc đang ở đâu không? Ông thường trực trả lời: Nghe đâu ông ấy bán nhà ngoài này và dọn về quê rồi.

Tôi lững thững quay về xe, đôi chân nặng như đổ chì. Cả sáu chúng tôi đã góp phần làm cho hãng may của thằng Đắng Văn Cay của chúng tôi sập tiệm nhanh hơn. Riêng tôi hưởng một bữa Tây hầu ở khách sạn 5 sao còn đắt bằng năm bộ com-plê của mấy ông lính cựu đang ngồi trên xe kia đấy.

ОГЛАВЛЕНИЕ

Hosted by uCoz