ÎÃËÀÂËÅÍÈÅ
Năm tháng đi qua - Uông Thái Biểu
Đám tang ông đi trong chiều mưa hiu hắt. Những giọt mưa thoảng qua hư vô đậu
trắng xuống chiếc nắp quan tài được phủ kín bằng một tấm ni lông màu đen u
uất.
Tôi và mẹ tôi bước lững thững cuối cùng. Gọi là đám tang nhưng không một tiếng
khóc than như người ta vẫn làm thế khi có người thân qua đời. Đi trước
đoàn người chỉ có ông đã lặng yên trong quan tài và bốn người hàng xóm khiêng
ông trên vai cũng bước đi nặng nề, đầu chúi sâu xuống đất. Không một người thân
thuộc, xung quanh ông chỉ toàn người xa lạ như từ lâu nay ông đã trở thành một
thế giới khác biệt với mọi người. Những xẻng đất lấp vội xuống
huyệt, quả trứng
bóc trắng xanh hờ hững đặt trên bát cơm lạnh ngắt, nén nhang nửa tắt nửa đỏ
trong mưa…
“ Thôi! Thế là hết… - Tôi nghĩ - hết một đời người!…”. Cho đến lúc này tôi
mới nghiệm hết cái điều mà thiên hạ vẫn cho là định
mệnh, rằng sống chết, sướng
khổ trên đời này đều như có sự sắp đặt trước của đấng Hoá Công. Đoàn người lại
lặng lẽ trở về như lúc họ ra đi. Tôi biết trong lòng họ mỗi người đang đuôỉ theo
một dòng suy nghĩ về người đã khuất. Giữa nghĩa địa hoang
vắng, trước nấm đất
mới đắp chỉ còn lại hai mẹ con tôi. Tôi vẫn chưa hiểu câu nói của bà lúc
nãy : “ Nam ạ, mẹ con mình nán lại thêm với ông chút
nữa!”…
Mẹ tôi quỳ trước vòng hoa quỳ vàng và tấm gỗ sơn dòng chữ tên ông : Lê
Mục.
Bà rút nén nhang khô ráo cắm lên bia mộ ông, hai dòng nước mắt đã lăn dài trên
gò má xanh xao tự lúc nào. Bà nấc lên nghẹn ngào:
-Ông ơi! Đến lúc này thì con không thể lặng thinh với ông được nữa rồi
!…Hai
mươi bảy năm qua chúng con đã có lỗi với ông. Sống khôn thác thiêng, ông hãy tha
thứ cho con và anh ấy, phù hộ cho thằng Nam cháu nội của ông!…Nam ơi! Con hãy
quỳ xuống mà lạy ông nội đi con, thay bố con thắp nén nhang cho ông mát lòng,
mát dạ!…
Mẹ tôi run rẩy ôm lấy tôi, giọng nói ngắt quãng trong tiếng
nấc. Tôi bàng
hoàng như sét đánh trước cú sốc bất ngờ. Hai mắt tối
sầm, toàn thân run rẩy chơi
vơi trong cảm giác không trọng lượng. Tôi khuỵu xuống, hai tay chắp trước ngực
đờ đẫn. Mẹ tôi vẫn nói như gió thoảng mơ hồ bên tai…
-Mẹ định tâm sẽ giấu con cho đến khi nhắm mắt nhưng nhìn nấm mồ lạnh lẽo của
ông nội con mẹ không thể đành lòng…Nam ơi! Con chính là đứa trẻ bất hạnh , côi
cút, con trai của liệt sĩ Lê Hồng Bình, cháu nội ông lão
Mục. Thế mà…thế mà từ
trước đến nay người ta vẫn nhầm tưởng rằng con còn bố, tưởng rằng con là dòng
giống họ Trần…
* * *
Cho đến lúc này tôi vẫn chưa biết vào truyện từ đoạn nào và có nên kể lại nữa
không khi nhân vật chính đã không còn nữa. Người vừa nằm xuống đất chính là ông
nội tôi, vậy mà hai mươi bảy năm qua tôi nào có biết! Con người ấy từ trước đến
nay dân làng (trong đó có tôi) vẫn quen gọi là lão Mục điên ngoài bãi. Trời ơi!
Cho đến trước lúc mẹ tôi tỏ tường sự thật tôi vẫn cứ nghĩ rằng mình đang đưa đám
một người làng xấu số, một kẻ điên dại mạt vận, không con cái, không họ hàng
thân thích. Đám tang ông cũng chỉ là một sự trùng lặp ngẫu nhiên với những ngày
nghỉ phép của tôi. Tự dưng, tất cả ký ức cùng một lúc trở về và giày xéo tâm can
tôi như muối xát. Ông ơi! Hai mươi bảy năm qua cháu đã sống một phần đời nhầm
lẫn, nhầm lẫn cả tên gọi và dòng máu của mình !…
* * *
Hồi đó tôi lên bảy, tuổi lên bảy của tôi không hiểu sao mà đã phải gánh vác
cả những phần việc khá nặng nhọc. Ở lứa tuổi bắt đầu hình thành nhận
thức, tôi
cảm nhận gia đình nội luôn nhìn tôi với con mắt ghẻ lạnh, ác
cảm. Ông nội giữ
chức chủ tịch xã hầu như suốt ngày ở trụ sở. Bố tôi ( cứ tạm gọi như
thế) là một
người buôn bè gỗ đường dài, quanh năm suốt tháng rong ruổi với núi
rừng, sông
nước. Mỗi lần ông về nhà là ngồi lì uống rượu, uống say mèm rồi kiếm chuyện đay
nghiến và túm gáy mẹ con tôi đánh như xé giẻ. Mẹ tôi chỉ biết khóc và cũng chỉ
âm thầm mà khóc. Còn tôi thì thảng thốt vì phải nghe những lời nguyền rủa từ
miệng bố : “ Đồ chết giẫm! Cái đồ con hoang !…”. Càng lớn lên trong gia cảnh đó
tôi như càng chai lì thêm bằng sự mặc cảm và thói quen nhịn
nhục. Lúc sung sướng
nhất ấy là đóng thừng con trâu đực cùng bạn bè giong ra bãi
Lảng. Bãi Lảng bên
bờ sông, nơi lý tưởng để tập trận giả và ngụp lặn. Một hấp dẫn nữa đối với chúng
tôi là được ăn khoai luộc với tôm càng của ông lão Mục . Ông lão Mục là dân làng
Lịch Thượng, nhà ông cách nhà tôi mấy ngõ. Bà lão mất từ lâu lắm
rồi, ông lão
chỉ có một người con duy nhất là chú Bình đang đánh giặc ở tận trong
Nam.
Từ hồi chú Bình đi bộ đội, tức là lúc tôi chưa ra đời, lão Mục đã ở ngoài bãi
Lảng. Dân làng có hỏi thì lão bảo là ở với tôm cá cho
vui. Xung quanh túp lều
lão Mục cắm dày đăng đó và lưới bắt cá. Thỉnh thoảng lão ghé về làng thăm lối
xóm, thắp nén nhang lên bàn thờ bà cụ rồi lại trở ra với túp lều ngoài bãi…Có
chúng tôi lão Mục vui lắm. Vừa ăn khoai chúng tôi vừa khoái chí nghe lão Mục kể
chuyện hồi đánh Tây, chao ôi, lão đã từng là anh Mục vệ quốc quân đứng trên nóc
hầm Đờ- cát cơ đấy !…
Cho đến một hôm, cái hôm đó thì cả làng đều
nhớ. Buổi sáng có ông cán bộ trên
huyện về, ông về được một lúc thì làng nước nhao lên : Thằng Bình con lão Mục đã
đầu hàng giặc! Thằng Bình đã phản bội!… Ông nội tôi vốn đứng đầu xã thì đạp xe
đi rao như một tin mừng. Tôi còn nhớ cả ngày hôm đó mắt mẹ tôi đỏ
hoe, buổi tối
ấy bà nằm lì trong buồng không dậy ăn cơm…
Từ đó, lũ trẻ bị ông bà, cha mẹ cấm chăn trăn trâu bãi
Lảng, cấm giao du với
lão Mục. Người lớn lườm túp lều chửi đổng : “Đồ phản động! Mẹ của gà ác thì cũng
loài gà đen !…” Lão Mục bị dân làng coi như đồ hủi, một kẻ lạc loài sống giữa
cộng đồng. Ngôi nhà trong xóm cỏ mọc um tùm, lão không dám về thăm sợ phải hứng
chịu những câu mỉa mai, nguyền rủa của thiên hạ. Có đứa trong đám trẻ ăn khoai
nhà lão Mục hôm trước, hôm nay đã bắt chước giọng người lớn cong môi : “ Xem kìa
! Cái lão già cha của thằng phản bội…” Lão Mục chỉ biết câm lặng ngắm dòng sông
nước xiết. Đêm đêm thắp một nén nhang ra ngoài nghĩa địa ngồi lì bên mộ
vợ. Có
người nhìn thấy lão dật dờ trong sương sớm giữa bãi tha ma…
Bẵng đi rất lâu, khi mà người đã quên trên đời này có một lão Mục thì lão
xuất hiện. Trước mắt chúng tôi không còn là ông lão Mục hiền lành dạo nọ nữa mà
đã là một người điên. Cả lũ đang chơi khăng giữa đường giật mình ù té
chạy, nấp
vào lùm cây kín ngó trộm. Người lớn đổ ra hàng rào. Lão Mục đã trở thành con
ma.
Tóc trên đầu lão rối bù, tết từng mảng dài thọt rủ xuống khuôn mặt hốc hác,
những chỏm xương trồi ra đẩy lùi hai hốc mắt vào sâu trắng đục, lờ đờ. Áo quần
lão chỉ còn là mớ giẻ rách quấn lòng thòng quanh tấm thân tàn
tạ. Vung cây gậy
tre làm nhịp, lão vừa giẫm thình thịch giữa đường làng vừa nghêu ngao hát như
đang tập đi đều :
-Một… hai… ba… A ha…! Đi đầu quân, đi trong mùa động
viên. Đi đầu quân đi trong mùa xuân mới… Gió lá reo… Nghiêm ! Báo cáo đội
trưởng, cho tôi xin cái lô cốt đầu cầu…Chết mẹ mày cái thằng mũi lõ…- Lão vừa
hét vừa vung cây gậy lên như nhắm bắn thiệt – Oằm !…
Oằm!…
Lũ trẻ con thích thú cười ré lên. Các bà quát tháo ầm ỹ đuổi con cháu vào
nhà. Có kẻ ác miệng rủa to một câu : “ Điên là phải ! Đáng kiếp cái nòi
Việt gian !” Mẹ tôi nhủ khẽ sau lưng : “Về đi con!” Kìa! Lão Mục đang đứng trước
ngôi nhà nát của mình. Mắt lão sáng lên như đang vui lắm. Bắc tay lên miệng lão
gọi to :
-Mẹ nó ơi ! Tôi về đây này…Thằng Bình ơi ! Bố
về đây con …Tôi tranh thủ về mấy ngày rồi còn đi chiến
dịch…Hòa bình bố về luôn
với con Bình nhé !…Ơ hay, đi đâu mà nhà vắng tanh vắng ngắt thế này ? !…
-Theo địch rồi chứ còn đi đâu ! – Ông nội tôi từ trụ sở về vòng xe vô
ngõ làm một câu lạnh tanh chông hổng. Mắt lão Mục tối
sầm, rồi lập tức
quắc lên rất lạ. Lão hét to : “Theo địch hả ? Đứa nào theo địch? Đứa nào
?…”- Lão vung gậy lên, môi run run :
-Giết chết tên phản quốc hèn mạt !
A… mày hả thằng
Bình ? Tao…tao giết mày làm gương cho kẻ khác. Theo tầm cây gậy mắt lão chạm
phải tán cây ổi trước nhà. Lão sững sờ. Cây ổi nhà lão Mục trái chín vàng rụng
xuống cả gốc vậy mà chúng tôi không dám hái như trước, sợ “ ăn phải bả Việt
gian”. Lão Mục nheo mắt: -“Bình hả con, trèo khéo ngã đấy !
Ừ, hái cho mẹ mày
cái trái chín chỗ kia… Con của bố ngoan qúa!…” “Không ! - Lão hét lên - Thằng
Bình không phải đứa hư, con của tao không phải thằng phản bội hèn mạt !… Bình ơi
!…”- Lão nấc lên, toàn thân run rẩy, khuỵu cả người xuống một cách bất
lực…
Lão Mục lại đi, cái cọc tre vung vẩy suốt dọc đường làng, vẫn nghêu ngao khúc
hát thủơ xa xưa của lão. “ Đi đầu quân, đi trong mùa động viên. Đi đầu quân…
Một...Hai...Ba…” Một con chó chạy ngang, lão vung gậy “ Hô-lê-manh !” Con chó
khiếp vía chạy vào vườn. Bà Nhiêu Là tru tréo : “Đồ điên, đồ phản động lại còn
dám chọc cả chó nhà bà !”
* * *
Trần Vu, con trai độc nhất của ông chủ tịch xã không còn khả năng sinh
sản.
Sự thật ấy hình như chỉ có ba người biết, ngoài y là ông bố đẻ và người vợ của
y. Vu vốn là tay đàng điếm, phóng đãng, những cuộc truy hoan đổi chác giữa tiền
bạc và xác thịt đã làm tiệt nọc cái khả năng kiếm giống cho dòng dõi họ
Trần.
Cưới cô Sen về, với sự tính toán ngầm của nhà giàu, bố con Vu cần một phụ nữ đảm
đang, biết làm ra của hơn là một giống cái sinh sản. Những cuộc ân ái bất lực
với Sen đã tạo cho y cảm giác hờ hững, ghẻ lạnh với
vợ. Sen sống trong sự hụt hẫng, trống vắng trước người đàn ông đó, lò lửa cháy bỏng của tuổi mười tám
tưởng chừng như lụi tàn nhanh chóng trong những trận mưa nước mắt khổ đau…
Nước lũ nguồn đổ về chảy xiết. Có những chỗ nước réo sùng sục và tạo nên vực
xoáy sâu hỏm, vô phúc bị cuốn trôi vào đó rất dễ về làm nô tỳ của Diêm Vương.
Chiếc thuyền thúng của Sen chở hai bó cỏ lác nặng như muốn chìm
nghỉm, cô khó
nhọc hất mạnh mái chèo, lừa con thuyền chao lệch dòng nước. Chỉ dăm sải tay là
thuyền sẽ đụng bờ, bỗng “ rắc” một tiếng , mái chèo gãy hẫng trong tay
Sen. Con
thuyền nhỏ bất lực trước sức đẩy mãnh liệt của dòng
chảy. Thuyền chao nghiêng ngửa, nước trào vào ào ào và nhận thuyền xuống sâu. Thuyền nan tre nên không
chìm hẳn, Sen bám chặt vào vành thuyền, tiếng kêu của cô vọng trên mặt sông mơ
hồ trong tuyệt vọng: “Cứu…tôi… với…với !…”
Chưa kịp bắt con cá chép vùng vẫy trên tay, Bình quăng vội tay lưới, anh vụt
thuyền theo tiếng kêu thảng thốt từ dòng sông lớn. Con nước gầm gào cuốn phăng
phăng những đám bèo tây, rác cỏ. Khó khăn lắm anh mới nhận ra đầu tóc dật dờ của
người con gái đang bị xô đi đẩy lại cùng con thuyền chìm trên sóng
.Vốn là tay
thạo nghề sông nước, mái chèo của chàng trai hăm hai khéo léo đẩy con thuyền
theo ý của mình. Vài giây sau, cô gái đã nằm sóng sượt giữa lòng
thuyền. Cập bờ
anh hàng xóm bế Sen lên và với tất cả kinh nghiệm không mấy lúc sau Sen đã tỉnh
lại. Chưa hết bàng hoàng, cô vợ Trần Vu đã nhận ra Bình, con trai ông lão
Mục,
cô nở một nụ cười mệt nhọc nhưng đầy sự hàm ơn. Cô nhắm nghiền mắt
lại, vẫn nằm
trong vòng tay của Bình. Lần đầu tiên chạm đến thân thể đàn bà, toàn thân anh
run lên, nổi gai ốc. Da thịt Sen nóng dần lên, Bình ngượng ngùng có ý buông lơi
ra. Song Sen như níu kéo, mời mọc, cô áp cả bộ ngực nóng hổi lên người
anh, cô
cũng run rẩy. Phía tây mặt trời đã khuất. Làng Lịch Thượng hiện lên mờ mờ trong
làn sương hoàng hôn. Thảm cỏ xanh bên dòng sông chưa hết gầm gào trong buổi
chiều hôm đó đã được chứng kiến một cơn bão ái ân cuồng
nhiệt, giữa chàng trai
lần đầu biết đến yêu đương và thiếu phụ vốn chứa trong lòng lò lửa tưởng như đã
lụi tàn…Mấy tháng sau, tự nhiên chàng trai ấy, Lê Hồng Bình, xin phép cha già
nhập ngũ và vào Nam chiến đấu. Sen lại càng lầm lũi, âm thầm giữa nhà
chồng. Bố
con Trần Vu ban đầu ngờ ngỡ và sau đó lại gầm gừ, hằn
học. Nhưng dù sao, đứa bé,
kết qủa của cuộc ái ân cuồng nhiệt vụng trộm cũng ra đời. Sinh ra trong nhà họ
Trần, nó được mang danh tính “ đích tôn” của họ
Trần, bởi lẽ hồi đó con dâu ông
chủ tịch xã không thể là đứa “trên dâu, dưới bộc”…
*
* *
Lão Mục đã trở thành một người điên thực
sự. Bất di bất dịch trong hành trang
của lão là cây gậy tre làm súng, manh chiếu rách và một chiếc bị cói đựng hổ
lốn, của quý nhất là chiếc áo tứ thân cũ kỹ của bà lão qúa cố và tấm hình hồi
nhỏ của chú Bình . Đêm, sẵn đâu lão nằm đấy. Ngày, lão ngồi giữa
chợ, sống bằng
tấm bánh, củ khoai bố thí. Có kẻ thương hại mong lão chết cho đỡ khổ thân lão.
Người ác tâm thì cảnh giác: “Không khéo lão trá thân để làm Việt gian chống phá
Chủ nghĩa xã hội”. Sắp đến ngày giải phóng vẫn có những chuyện thêu dệt về “tên
phản quốc Lê Hồng Bình”. Rằng “hắn đã lên chức đại tá
ngụy”, rằng “ hắn đã bị
quân ta giết chết ở thành cổ Quảng Trị năm 1972”, rằng…
Giải phóng đâu vài tháng thì tại làng tôi lại xảy ra một sự kiện nhớ đời.
Sáng hôm ấy, một chiếc com-măng –ca chạy vào trụ sở xã, năm phút sau
quay trở ngược, trên xe có thêm ông chủ tịch xã cũng là người thuộc cánh họ
Trần. Xe rẽ vào cổng chợ trong buổi đông người. Hằng trăm con mắt đổ dồn vào chú
bộ đội mang quân hàm thiếu tá vừa bước xuống. Chú bước như chạy về phía lão Mục
đang gục đầu trên manh chiếu rách. Chú bộ đội ôm lấy vai lão, nghẹn ngào :
-Bố ơi ! Sao đến nông nỗi này hở bố ! ?…
Nghe tiếng “bố”, lão Mục như sực tỉnh , mở hai mắt ngơ ngác, môi
lão run run :
-Bình hở con ? Có phải thằng Bình của bố không ?… - Bỗng dưng
mắt của lão khờ dại đi - Không ! Không !…
Cút ! Thằng Bình chết rồi !… Đồ … đồ hèn nhát ! Đồ phản bội ! – Lão
đẩy chú bộ đội ra. Chú thiếu tá đầm đìa nước mắt :
-Bố ơi ! Con là Thăng, đồng đội của Bình đây ! Thằng Bình nó không phản
bội, không hèn nhát đâu, nó đã hy sinh anh dũng từ năm 1967…
Đại đội của Bình và Thăng được lệnh lên mặt trận độc lập luồn sâu
vào lòng địch. Sau những trận đánh ác liệt ven đô thị, đơn vị hành quân ngược
lên vùng núi phía nam Tây Nguyên, gây dựng lực lượng ở vùng đồng bào dân
cư người Thượng . Đại đội ém mình bí mật trong rừng sâu, Bình và Thăng được cử
đi điều nghiên, gặp gỡ đồng bào trước. Không ngờ lần đi ấy bị địch phục kích,
Bình bị thương nặng. Nằm trên vai Thăng nửa buổi đường anh hoàn toàn kiệt
sức.
Trước khi nhắm mắt, Bình thều thào : “Mày còn sống trở về thì ghé thăm bố tao là
ông lão Mục ở làng Lịch Thượng, ghé thăm Se…”. Chưa kịp nói hết câu anh đã gục
xuống, đầu nghẽo bên vai Thăng. Chôn bạn xong, Thăng khắc tên người bạn đã
khuất và quê hương lên thân cây pơ-mu. Trên đường tìm về đơn vị Thăng bị
lạc, không còn cách nào khác anh đã vào xin sống với đồng bào một buôn
Kơho, anh tự tập hợp du kích chiến đấu. Sau đó, đội du kích của Thăng được
nhập vào một cánh quân chủ lực phía nam Trường Sơn chiến đấu đến ngày giải
phóng…
Thì ra, ngày đó một toán biệt kích ngụy quân đã vô tình đọc được tên
tuổi và quê quán của người hy sinh trên cây pơ-mu. Mọi người kinh
ngạc và uất hận khi truyền đơn và đài địch ra rả: “ Hỡi anh em cán binh Việt
Cộng! Đồng đội của các anh là Lê Hồng Bình, quê quán…đơn
vị…đã quy phục chính
nghĩa quốc gia. Chúng tôi đã biết rõ nơi ém quân của các anh. Khôn hồn thì rút
lui, nếu không sẽ bỏ mạng!…” Bình phản bội, Thăng mất tích, đại đội phải hành
quân đến địa điểm mới để bảo toàn lực lượng và dòng điện tín về cấp trên đã được
chuyển dần ra hậu phương lớn, về thấu làng Lịch Thượng…
Đoàn thanh niên thôn Lịch Thượng đã sửa sang lại ngôi nhà của liệt sĩ Lê Hồng
Bình. Trên bàn thờ bên bài vị của bà lão Mục đã có thêm bát nhang mới cùng tấm
bằng Tổ quốc ghi công. Song, với lão Mục tất cả mọi sự nhìn nhận và phục hồi đều
đã trở thành vô nghĩa. Bởi lẽ, trong tâm thần ổn định trước khi từ giã một phần
đời tỉnh táo, thằng Bình trong lão chỉ là thằng Bình trèo ổi ngày xưa hay là một
tên phản phúc làm ô nhục cho dòng họ Lê. Những giấy má, bằng chứng và cả sự hối
hận bằng hành động của người tỉnh táo không thể nào đánh thức được lão
nữa,
không nghĩa lý gì với người điên trong lão. Lão vẫn ngồi nằm bên xó
chợ, vẫn
sống bằng miếng quà, tấm bánh của kẻ bán người mua. Lúc nào
hứng, thường là
những lần chú Thăng về thăm, hai bố con dắt nhau ra bãi Lảng thắp hương cho bà
lão, về ngôi nhà trong làng cúng viếng chú Bình. Cho đến những ngày gần
đây, lão Mục đã trở về bãi Lảng một mình. Một hai ngày không thấy bóng lão, mọi
người đổ đi tìm. Khi người ta tìm ra thì lão chỉ còn là một tấm thân lạnh
ngắt,
co quắp. Bên người lão vẫn là tấm hình chú Bình thời còn nhỏ và chiếc áo tứ thân
cũ kỹ của bà lão ngày xưa…
ÎÃËÀÂËÅÍÈÅ